Trang chủ / Kiến thức / Âm nhạc / Đàn Piano trong việc phát triển tư duy nghệ thuật và cảm thụ âm nhạc

Đàn Piano trong việc phát triển tư duy nghệ thuật và cảm thụ âm nhạc

Từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, văn hóa nghệ thuật và âm nhạc phương Tây tràn vào Việt Nam đã có tác động không nhỏ đến nền âm nhạc nước nhà. Sự du nhập của cây đàn Piano – một trong những nhạc cụ phương Tây đến sớm nhất đã góp phần tạo ra một trào lưu âm nhạc mới.Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, đàn Piano xuất hiện lần đầu ở Hà Nội vào năm 1912 nhưng phải tới những thập niên 20, 30 đàn Piano mới được biết đến nhiều hơn cùng với các nhạc cụ phương Tây khác như Violon, Violoncello, Guitare, Accordeon và các loại Kèn hơi.

Sự nghiệp đào tạo chuyên nghiệp đàn Piano ở Việt Nam được hình thành cùng với sự ra đời của các Trung tâm đào tạo âm nhạc lớn trên cả nước: Trường âm nhạc Việt Nam – năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn – năm 1956 (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Huế – năm 1962 (nay là Học viện Âm nhạc Huế).
Cây đàn Piano là một nhạc cụ có khả năng diễn tả rất phong phú: Sự chuẩn xác về cao độ, vẻ đẹp của âm thanh biểu hiện được nhiều loại sắc thái, sự tinh tế của phím đàn, sự thuận lợi trong việc kết hợp các chồng âm cùng lúc tạo nên màu sắc hòa âm có thể thay thế dàn nhạc đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật rất lớn của cây đàn Piano khi sử dụng. Chính vì vậy đàn Piano là một nhạc cụ phổ thông rất cần thiết cho những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.

Tại các trường âm nhạc, Piano là môn học bổ trợ rất cần thiết đối với mọi chuyên ngành (Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy, Thanh nhạc, nhóm các nhạc cụ Giao hưởng, nhạc cụ Dân tộc…). Việc nắm vững kỹ thuật đàn Piano sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người học được tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc kinh điển, hiểu được đặc điểm âm nhạc của từng giai đoạn, phong cách sáng tác và ngôn ngữ âm nhạc của các nhạc sĩ…để có thể nghiên cứu chuyên sâu vào ngành học của mình. Ví như, với ngành Sáng tác, Piano giúp cho người viết cảm nhận được hiệu quả tác phẩm.
Thực tế đã chứng minh rằng người học ngành Lý luận không thể nghiên cứu lý thuyết suông mà phải có sự cảm nhận âm nhạc thông qua đàn Piano, vì vậy không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia nước ngoài khi tuyển chọn học sinh Lý luận thường yêu cầu được nghe đàn Piano để có sự đánh giá đúng năng lực và nhạc cảm của mỗi học sinh. Đối với ngành Chỉ huy, có trình độ tay đàn Piano là điều kiện tiên quyết để được tuyển chọn. Bởi vì đàn Piano chính là dàn nhạc thu nhỏ, thông qua Piano người chỉ huy có thể dễ dàng nghiên cứu tổng phổ, nắm vững các bè để làm việc với dàn nhạc đạt hiệu quả.

Ngoài ra, đối với các chuyên ngành khác việc biết đàn Piano sẽ giúp người học phát triển tư duy đa âm thanh, làm quen với những màu sắc hòa âm khác nhau, có khái niệm rõ ràng về hòa âm, phức điệu, phần bè đệm…, vì đặc trưng của những nhạc cụ phương Tây và Dân tộc là chỉ đảm nhiệm phần giai điệu, hạn chế về các bè…Đàn Piano tạo điều kiện mở rộng tai nghe một cách phong phú hơn, phát triển khả năng hoạt động nhanh nhẹn, linh hoạt của ngón tay, cổ tay.
Đối với chuyên ngành Kèn gỗ Giao hưởng, việc chơi đàn Piano sẽ tạo được sự cân bằng lực cho cho các ngón tay. Với chuyên ngành Gõ, Piano sẽ giúp người học bổ sung phần định âm …Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với các chuyên ngành, đàn Piano còn là phương tiện hỗ trợ vô cùng cần thiết trong giảng dạy âm nhạc. Tại Nhạc viện các nước, bất cứ một giờ học các môn kiến thức âm nhạc nào (Hòa thanh, Hợp xướng, Ký xướng âm, Lịch sử âm nhạc, Phức điệu, Phân tích tác phẩm, Đọc tổng phổ…) cũng cần có sự trợ giúp của cây đàn Piano.

Nói như vậy để thấy rằng việc nắm vững kỹ thuật đàn Piano là vô cùng cần thiết đối với bất cứ ai nghiên cứu âm nhạc ở môi trường chuyên nghiệp. Chính vì ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tư duy âm nhạc, nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật mà môn Piano được thiết kế trong chương trình đào tạo của một số chuyên ngành tại các trường âm nhạc. Tuy nhiên vấn đề giảng dạy môn Piano phổ thông vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm. Học sinh ở các trường âm nhạc được học đàn Piano trong một khoảng thời gian khá dài (6-7 năm) từ Trung học lên Đại học nhưng nhìn chung kết quả thu được chưa thật sự khả quan. Người học phần lớn chưa ứng dụng trình độ tay đàn Piano của mình vào công việc thực tế.
Đơn cử như đối với chuyên ngành Sáng tác (một ngành học đòi hỏi phải có kỹ thuật đàn Piano khá vững vàng): Tại các Nhạc viện hàng năm có không ít tác phẩm viết cho Piano nhưng thật sự có bao nhiêu tác phẩm có chất lượng được sử dụng? Rất ít tác phẩm viết cho đàn Piano được thẩm định về giá trị nghệ thuật (trong số 25 tác phẩm ở lĩnh vực khí nhạc đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – năm 2010, cũng chỉ có duy nhất một tác phẩm viết cho đàn Piano – Chùm hoa Việt Nam của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc).

Tác phẩm viết cho đàn Piano nhưng không dựa trên sự nắm vững về kỹ thuật và khả năng diễn tấu của cây đàn mà chỉ dựa vào sự tưởng tượng của người viết thì chắc chắn tác phẩm đó không thể có giá trị nghệ thuật cao. Trên thế giới các nhạc sĩ tên tuổi đều là những nghệ sĩ Piano kiệt xuất trước khi trở thành những nhạc sĩ sáng tác thiên tài (W.A.Mozart, L.V Beethoven, R.Schumann, F. Chopin, P. Tchaikovsky, A.Rubinstein…).
Bàn về tính chuyên nghiệp của người nhạc sĩ, trong bài viết Vài suy nghĩ về nền âm nhạc, hay nền ca khúc quần chúng không nhạc đệm Việt Nam, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc – thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bày tỏ quan điểm như sau:
“…Ở những nước có nền âm nhạc chuyên nghiệp phát triển: Mỗi một ca khúc, kể cả ca khúc quần chúng luôn luôn có một phần đệm cố định, thường thì do chính tác giả của phần giai điệu viết ra cho cây đàn Piano. Đó là tính chuyên nghiệp của người nhạc sĩ. Riêng ở Việt Nam, hầu hết các nhạc sĩ (viết ca khúc) không viết được phần đệm cho các bài hát của chính mình sáng tác ra. Điều đó nói lên tính không chuyên nghiệp của nền âm nhạc Việt Nam…”
Mục đích của bài viết này là muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của cây đàn Piano trong việc mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật của sinh viên học sinh các trường âm nhạc chuyên nghiệp, khẳng định sự cần thiết của việc phổ cập môn đàn Piano đối với mọi chuyên ngành . Hiện nay việc giảng dạy môn Piano phổ thông tại các trung tâm đào tạo âm nhạc trên cả nước chưa mang tính đồng bộ, chưa có sự thống nhất về chương trình, giáo trình, chưa có quy định chặt chẽ về trình độ người học của từng năm…

Vì vậy, chúng tôi có một số đề nghị như sau:
– Có kế hoạch thường xuyên nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên; muốn làm được điều này thì trước tiên cần phải khảo sát thực trạng tay nghề của người dạy. Thực tế vẫn tồn tại tâm lý chỉ coi trọng giảng dạy Piano chuyên ngành mà xem nhẹ việc giảng dạy Piano phổ thông; chúng ta phải lưu ý điều này: Ở các nước, giảng viên giảng dạy Piano phổ thông phải là những người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sư phạm và tài năng nghệ thuật đã được thẩm định (giáo sư, nghệ sĩ công huân…) bởi vì đây không phải là một công việc dễ dàng và đơn giản mà ai cũng có thể làm được.
– Đổi mới trong phương pháp giảng dạy (thiết kế bài giảng phù hợp với đặc điểm của mỗi chuyên ngành), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu chuyên sâu vào từng ngành học thông qua đàn Piano.
– Thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn, trao đổi học thuật, các cuộc thi Piano cho nhiều loại đối tượng định kỳ trong từng năm học ở phạm vi bộ môn, khoa, trường nhằm khuyến khích tinh thần học tập trong sinh viên học sinh.
– Phổ cập môn Piano cho tất cả mọi chuyên ngành. Điều này sẽ giúp cho việc học tập các môn kiến thức cơ sở của sinh viên học sinh đồng đều và có chất lượng hơn, đưa trình độ cảm thụ âm nhạc của người học lên ngang bằng với nhau, đáp ứng được nhu cầu đào tạo toàn diện, chính quy hóa về kiến thức tổng hợp cho sinh viên học sinh tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

Hà Mai Hương
(Nguồn: songnhac.vn)

Happy Music

Hướng dẫn sử dụng đàn Yamaha PSR-SX700, SX900 tiếng Việt (2)

Keyboard là tên gọi khác của đàn organ điện tử, đàn phím điện tử và …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.